Lược sử Đối Thoại An Ninh Tứ Giác

Lược sử Đối Thoại An Ninh Tứ Giác

Tổng hợp và biên dịch: Nhật Minh

(Dự án Đại Sự Ký Biển Đông / 01-12-2018)

Bộ Tứ an ninh Mỹ – Úc – Nhật Bản – Ấn Độ. Nguồn: Wikipedia.

 

Nội dung:

  1. Nguồn gốc khuôn khổ Đối thoại An ninh Tứ giác phiên bản 1.0
  2. Mười năm tiếp theo trước khi Đối thoại An ninh Tứ giác được tái khởi động
  3. Đối thoại An ninh Tứ giác phiên bản 2.0
  4. Quan điểm của chính quyền Mỹ về “mở và tự do”
  5. Phản ứng của Trung Quốc
  6. Quan điểm của Việt Nam
  7. Quan điểm của người Đông Nam Á
  8. Tài liệu tham khảo và một số phân tích, bình luận của giới học giả.

———–

1. Nguồn gốc khuôn khổ Đối thoại An ninh Tứ giác phiên bản 1.0

Đối thoại An ninh Tứ giác (Quadrilateral Security Dialogue – viết tắt là Quad) là đối thoại chiến lược không chính thức giữa bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ – hay còn được gọi là Bộ Tứ an ninh.

Kể từ sau Thế chiến thứ hai, các liên minh an ninh Mỹ – Nhật và liên minh quân sự Mỹ – Úc đã luôn là những yếu tố then chốt trong hệ thống an ninh “Trục bánh xe và Nan hoa” của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương. Từ những năm 2000, Mỹ cũng thắt chặt đáng kể quan hệ chiến lược – quân sự với Ấn Độ.

Đối thoại an ninh Tứ giác, tuy nhiên, là ý tưởng của Nhật Bản. Trong một cuốn sách xuất hiện ngay trước khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2006, Shinzō Abe nhấn mạnh Nhật Bản cần nắm vai trò dẫn đầu trong việc thiết lập một cuộc đối thoại chiến lược cấp cao giữa “nhóm 3 nước Dân chủ Châu Á – Thái Bình Dương G3 cộng với Mỹ”. Theo Abe, bốn nước cần phải thảo luận làm thế nào để có thể hợp tác tốt hơn và thúc đẩy các giá trị chung của họ ở phần còn lại của châu Á. Ý tưởng này có thể  bắt nguồn từ các hoạt động cứu trợ thiên tai chung của quân đội bốn nước sau trận sóng thần chết người đã tấn công Đông Nam Á vào năm 2004.

Với nền tảng đã có sẵn là Đối thoại An Ninh Tam giác Hoa Kỳ – Nhật Bản – Úc, một loạt các hoạt động ngoại giao đã diễn ra giữa Nhật Bản và Ấn Độ vào cuối năm 2006 và đầu năm 2007, trong đó hai bên cùng chia sẻ quan điểm về “sự hữu ích của việc đối thoại giữa Ấn Độ, Nhật Bản và các nước cùng chí hướng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về các chủ đề cùng quan tâm.” Cùng với đó là các cuộc thảo luận song phương giữa Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney và Thủ tướng Úc John Howard tháng 2 năm 2007, giữa Howard và Abe vào tháng 3 năm 2007, và Abe tới Washington tháng 4 năm 2007. Kết quả, cuộc họp đầu tiên mang tính chất thăm dò giữa bốn nước đã diễn ra vào tháng 5 cùng năm. Cuộc họp này đã không có một nghị trình chính thức và không có quyết định nào được đưa ra về một cuộc họp tiếp theo. Tuy nhiên có một kỳ vọng rằng các nước sẽ gặp lại nhau.

Đáng kể hơn, trước và sau cuộc họp này là hai cuộc tập trận chung Malabar diễn ra ngoài khơi Nhật Bản vào tháng 4 và phía đông bờ biển Ấn Độ vào tháng 9. Trong khi cuộc tập trận tháng 4 là tập trận chung giữa 3 nước Mỹ, Ấn Độ, và Nhật Bản lần đầu tiên được mời, cuộc tập trận vào tháng 9 có sự tham gia của cả 4 nước và có thêm Singapore. Trước đó, Malabar chỉ là cuộc Tập trận Hải quân chung quy mô lớn giữa Mỹ và Ấn Độ từ năm 1992.

Cuộc đối thoại này, cùng với các cuộc diễn tập chiến tranh ngoài khơi Okinawa của Nhật Bản đã làm dấy lên nghi ngờ ở Bắc Kinh rằng Bộ Tứ hướng tới trở thành một liên minh quân sự chống lại Trung Quốc. Bắc Kinh đã phản đối và thông qua các kênh ngoại giao, yêu cầu cả bốn nước phải minh bạch mục đích thực sự của Đối thoại.

Chưa có được một nghị trình cụ thể, ý tưởng Quad đã lẳng lặng chết bởi vấp phải một loạt các yếu tố bất lợi. Tháng Chín năm 2007, Thủ tướng Nhật Abe từ chức bởi những vấn đề chính trị nội bộ trong nước. Ở Ấn Độ, sáng kiến Quad vấp phải với một loạt khó khăn: thứ nhất là những cuộc biểu tình chống lại tập trận quân sự tháng Chín năm 2007, và thứ nhì, Chính phủ Ấn Độ khi đó đang cố gắng làm hài lòng Trung Quốc để có được sự ủng hộ của Trung Quốc trong một thủ tục liên quan tới chương trình nguyên tử của quốc gia này.  Còn Mỹ thì cuối cùng đã coi Đối thoại Chiến lược Ba bên quan trọng hơn Quad. Tháng 11 cùng năm, Kevin Rudd, người phản đối ý tưởng Quad, trở thành Thủ tướng Úc. Tháng 2 năm 2008, Ngoại trưởng Úc Stephen Smith tuyên bố Úc rút khỏi liên minh hợp tác này, đánh dấu sự kết thúc của Đối thoại An ninh Tứ giác phiên bản 1.0.

2. Mười năm tiếp theo trước khi Quad được tái khởi động

Dù ý tưởng Đối thoại An ninh Tứ giác không thành, trong 10 năm tiếp theo, bốn quốc gia vẫn dần dần tăng cường các mối quan hệ lẫn nhau trong an ninh và quốc phòng. Các hoạt động đối thoại quốc phòng ba bên diễn ra thường xuyên. Các cuộc tập trận hải quân chung vẫn được tiếp tục và mở rộng. Năm 2015, Nhật Bản trở thành thành viên thứ 3 tham gia tập trận Malabar cùng với Mỹ và Ấn Độ. Sau hơn 10 năm rút khỏi tập trận Malabar vì e ngại Trung Quốc, Úc giờ đây bộc lộ muốn tham gia trở lại. Tuy nhiên cho tới cuộc tập trận năm 2018, Ấn Độ vẫn từ chối lời đề nghị của Úc, có lẽ vì không muốn gây thêm căng thẳng với Trung Quốc.

fiia_gr_thequad1

 

Các mối quan hệ song phương giữa bốn nước cũng đã được nâng cấp. Trong khi những nỗ lực của Trump nhằm tăng cường gắn kết với Ấn Độ đang được chú ý và quan tâm nhiều hơn, sự tăng cường mối quan hệ mạnh nhất lại xảy ra giữa Úc, Nhật Bản và Ấn Độ, xuất phát từ những nghi ngờ đối với Trung Quốc ngày càng tăng và lo ngại Mỹ sẽ rút khỏi châu Á. Úc và Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng cũng là một nỗ lực kết hợp để giữ Mỹ ở khu vực. Cùng với đó, cả hai nước đều tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ bằng cách tăng cường quan hệ với Ấn Độ. Lần đầu tiên kể từ năm 2003, Sách Trắng Chính sách Đối ngoại của Úc năm 2017 đã nhắc tới Ấn Độ 64 lần (trong khi năm 2003 chỉ là 6 lần). Cuối năm 2017, Úc và Ấn đã tổ chức cuộc họp 2 + 2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước.

Quan hệ song phương được thể chế hoá giữa Nhật Bản và Ấn Độ cũng ngày càng phát triển sâu rộng: ngày càng nhiều hơn các hợp tác kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án kết nối, hợp tác liên quan tới an ninh và hợp tác quân sự xuất phát từ những lý do chung về địa chiến lược. Cả hai quốc gia đều tìm cách quản lý và giảm thiểu những hệ quả tiêu cực có thể có từ sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực, mặc dù trong khi Nhật Bản coi Trung Quốc là mối đe doạ hiện hữu, Ấn Độ phụ thuộc vào Trung Quốc để tăng trưởng kinh tế.

Có thể thấy một thực tế là Úc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự gắn kết lẫn nhau và đã đầu tư nghiêm túc để củng cố các mối quan hệ này kể từ năm 2008. Dù vậy, mỗi nước có sự khác biệt về những động cơ căn bản, mức độ tham gia và quan điểm về việc liệu Quad có thể là một công cụ cân bằng chống lại của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương (Đọc thêm Sophie Eisen Traut & Bart Gaens (2018) phân tích cụ thể về khả năng cam kết của từng nước).

3. Quad phiên bản 2.0

Năm 2017, ý tưởng về Quad quay trở lại trong các cuộc thảo luận của các quan chức và xuất hiện ở mục quan điểm trên các trang báo. Bên cạnh sự tích cực phát tín hiệu của Mỹ và Nhật Bản, có những bằng chứng cho thấy Úc và Ấn Độ, hai nước được coi là ít sẵn sàng nhất cho việc tham gia vào một liên minh Bộ Tứ, đang cân nhắc lại quan điểm của mình.

Sách Trắng Quốc phòng Úc năm 2016 đã kêu gọi Trung Quốc “minh bạch” hơn về chính sách quốc phòng và nói rõ những tranh chấp yêu sách lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên ở Đông Nam Á sẽ là nguồn tiềm năng gây căng thẳng. Mùa xuân năm 2017, xuất hiện các báo cáo rằng Lực lượng Phòng vệ Úc đã đề nghị được tham gia tập trận Malabar vào tháng 7 cùng năm như một quan sát viên. Bộ trưởng Quốc phòng Úc cũng bộc lộ một sự quan tâm lớn về Quad. Tuy nhiên Ấn Độ đã chưa sẵn sàng và từ chối lời đề nghị tham gia tập trận chung của Úc.

Sách Trắng Chính sách Đối ngoại của Úc năm 2017 cho thấy Úc đang mở rộng hợp tác đa phương với các nước khác. Canberra cũng lưu ý rằng Úc và Trung Quốc có “các lợi ích, giá trị và hệ thống pháp lý và chính trị khác nhau” sẽ làm tăng “ma sát”.

Chiến lược Quốc phòng Hoa Kỳ công bố ngay sau đó nói rằng Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác bốn bên với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Chiến lược Quốc phòng Lầu Năm Góc cũng chỉ ra rằng Hoa Kỳ có mục tiêu mở rộng mối quan hệ hiện có của các đồng minh trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Tháng 10 năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố rằng Úc có thể tham gia hợp tác Mỹ – Ấn – Nhật đã tồn tại từ năm 2011. Cùng tháng, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ bắt đầu đối thoại cấp cao với Mỹ, Ấn Độ và Úc nhằm củng cố tự do thương mại và hợp tác quốc phòng trong khu vực kéo dài từ Biển Đông qua Ấn Độ Dương đến Đông Phi (ý tưởng này đã được Kono gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ trưởng Ngoại giao Úc vào tháng 8). Tuyên bố của Kono đã nhận được sự ủng hộ của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Bộ trưởng Ngoại giao Úc.

Tháng 11 năm 2017, trong chuyến công du châu Á, Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” thay vì cụm từ “Châu Á và Thái Bình Dương”, nhấn mạnh tầm quan trọng của bản chất “tự do và cởi mở” của khu vực (Kể từ đó, thuật ngữ Ấn Độ – Thái Bình Dương đã được sử dụng phổ biến trong khu vực, cho thấy ý nghĩa địa chính trị của vùng lãnh thổ được bao phủ bởi Quad).

indo-pacific-region
Nguồn: Wikimedia Commons

Sau một loạt các tuyên bố mở đường, ngày 12 tháng 11 năm 2017, lần đầu tiên các quan chức cấp cao bốn nước đã gặp nhau ở Manila trong thời gian diễn ra các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

Tại cuộc họp thứ hai liên quan đến Quad trong tháng 1 năm 2018, các chỉ huy hải quân của bốn nước đã tổ chức đàm phán tại Hội nghị đối thoại Raisina ở New Delhi. Tại đây Đô đốc Harry Harris, chỉ huy lực lượng Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã trực tiếp đề cập đến Trung Quốc như một lực lượng phá vỡ Ấn Độ – Thái Bình Dương. Katsutoshi của Nhật Bản thì nói Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và bởi vậy điều quan trọng đối với Ấn Độ, Úc, Mỹ và Nhật Bản là bốn nước nên hợp tác. Còn chỉ huy hải quân Ấn Độ Lanba cho biết hải quân Trung Quốc đã có mặt ở Ấn Độ Dương kể từ năm 2008.

Ngày 15 tháng 11 vừa rồi, các quan chức cao cấp Bộ Tứ có cuộc họp lần thứ 3 bên lề các hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Singapore. Cuộc họp không được gọi là “Đối thoại An ninh Tứ giác” mà được gọi tránh đi dưới những tên khác, ví dụ như Mỹ gọi đây là “Cuộc tham vấn Úc – Ấn Độ – Nhật Bản – Mỹ về Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Và khuôn khổ Đối thoại đã được phát triển để giải quyết những vấn đề mà không chỉ bó hẹp trong lãnh vực an ninh – quân sự. Cuộc đối thoại đã đưa ra nhiều ý tưởng khác để bốn quốc gia có thể cùng nhau theo đuổi hợp tác trong các lãnh vực cơ sở hạ tầng kết nối, quản trị, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, và tiếp tục xây dựng năng lực tương tác lớn hơn giữa bốn quốc gia nhằm đáp ứng tốt hơn các trường hợp cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.

Một bước ngoặt mới trong cuộc họp này là mặc dù tầm nhìn về Ấn Độ – Thái Bình Dương của bốn quốc gia còn khác nhau, cả bốn quốc gia cùng đưa ra một tuyên bố rõ ràng và mạnh mẽ đồng thuận về tính trung tâm của ASEAN, tầm quan trọng của cấu trúc dẫn dắt bởi ASEAN trong những sáng kiến về Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Bộ Tứ dường như bị chia rẽ về cách ứng phó với ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, với những chương trình cơ sở hạ tầng khổng lồ và hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông. Đã không có tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, thay vào đó là tuyên bố riêng rẽ của từng nước.

Theo tuyên bố của Mỹ, quan chức bốn nước tái khẳng định “cam kết duy trì và củng cố một trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương, trong đó tất cả các quốc gia đều có chủ quyền, mạnh mẽ và thịnh vượng”.

Còn Úc thì nói về “giá trị của làm việc cùng nhau để hỗ trợ sự ổn định trong vùng biển khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

Tuyên bố của Nhật Bản đề cập đến “tầm nhìn bổ sung cho khu vực được thiết lập bởi bốn nước, căn cứ vào sự đồng ủng hộ một khu vực tự do, cởi mở và bao trùm, thúc đẩy sự tôn trọng toàn cầu đối với luật pháp quốc tế, tự do hải hành và không hành, và phát triển bền vững”. Tuyên bố của Ấn Độ đã nói về thỏa thuận “hợp tác với các quốc gia và diễn đàn khác trong khu vực để thúc đẩy một trật tự tự do, mở, dựa trên luật lệ và có tính bao trùm ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, thúc đẩy lòng tin và sự tự tin”.

Cho tới nay, 3 cuộc họp Bộ Tứ chỉ dừng ở cấp quan chức dưới Bộ trưởng, chưa có một định hình cụ thể và một kế hoạch rõ ràng.

4. Quan điểm của chính quyền Mỹ về “mở và tự do”

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn An Ninh Quốc tế Halifax, Đô đốc Phil Davison, Tư lệnh chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã cung cấp chi tiết hơn về khái niệm “mở và tự do” của chính quyền Mỹ. Đó là:

  • “tự do không bị cưỡng ép bởi các quốc gia khác” cũng như tự do “về hệ thống giá trị và niềm tin”
  • “quyền và tự do cá nhân” bao gồm tự do tôn giáo và quản trị tốt
  • “những giá trị chung của Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền”
  • “tất cả các quốc gia không bị ngăn cản tiếp cận những đường biển và đường hàng không mà các quốc gia và nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc”
  • “môi trường đầu tư mở, thỏa thuận minh bạch giữa các quốc gia, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trao đổi thương mại công bằng và có đi có lại”

Davidson cũng nhắc lại lời mời Phó Tổng thống Pence mời Trung Quốc tham gia vào một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở, miễn là Bắc Kinh “lựa chọn tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng, thành thực chấp nhận thương mại tự do, công bằng và có đi có lại, và giữ gìn quyền con người và tự do.”

5. Phản ứng của Trung Quốc

Ngày 8 tháng 3 năm 2018, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Trung Quốc đối với “chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương” của Bộ Tứ Mỹ – Nhật – Ấn Độ – Úc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói:

“Dường như không bao giờ thiếu các ý tưởng cho báo chí tạo tiêu đề. Chúng giống như bọt biển ở Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương: chúng có thể thu hút sự chú ý, nhưng sẽ sớm tiêu tan. Trái ngược với tuyên bố của một số viện nghiên cứu và phương tiện truyền thông rằng “chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương” nhằm mục đích kìm hãm Trung Quốc, lập trường chính thức của bốn quốc gia là nó không nhắm vào ai cả. Tôi hy vọng họ không nói chơi và hành động phù hợp với hùng biện của họ. Ngày nay, việc châm ngòi cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đã lạc hậu và kích thích đối đầu sẽ không tìm thấy thị trường.”

6. Quan điểm của Việt Nam

Ngày 15 tháng 11 năm 2018, khi được hỏi về quan điểm của Việt Nam đối với liên minh Bộ Tứ, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết Việt Nam “vừa hoan nghênh vừa lo”. Cụ thể hơn, ông cho biết trong khi Việt Nam hoan nghênh sáng kiến của bất kỳ quốc gia nào nhằm bảo vệ tự do hải hành và không hành trong khu vực, nước này không ủng hộ bất kỳ liên minh quân sự nào có thể làm suy yếu hoà bình và an ninh khu vực.

“Việt Nam hoan nghênh bất kỳ sáng kiến nào để duy trì hòa bình, an ninh, tự do hải hành và không hành trong khu vực. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn nhìn thấy một liên minh quân sự được hình thành bởi vì chúng tôi tin rằng nó không có lợi cho môi trường an ninh trong khu vực,” ông nói với các phóng viên. “Nếu bất kỳ quốc gia nào muốn lập băng nhóm, sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực thì điều đó đi ngược lại lập trường của Việt Nam,” ông nói.

7. Quan điểm của người Đông Nam Á

Mới đây, Viện Chính sách Chiến lược Úc thực hiện một khảo sát về nhận thức của người Đông Nam Á đối với Đối thoại An ninh Tứ giác. Theo lời TS. Lê Thu Hường – tác giả của khảo sát, khảo sát đã thu thập được 276 câu trả lời từ những người làm trong các cơ quan chính phủ, quân đội, đại học, các tổ chức tư vấn chính sách, các doanh nghiệp, truyền thông và sinh viên đại học từ tất cả 10 quốc gia ASEAN.

Kết quả cho thấy nhận thức của Đông Nam Á về Quad là đa dạng. Không có cái gọi là “quan điểm chung ASEAN”. Trong số những người tham gia khảo sát, người Việt Nam và Philippines ủng hộ Quad nhiều nhất, trong khi người Indonesia nằm trong nhóm hoài nghi hoặc chưa chắc chắn nhất. Người Singapore ít nhiệt tình về Quad nhất.

Dù vậy, chiếm nhiều nhất, 57%, là ý kiến ủng hộ quan điểm sáng kiến Quad có vai trò hữu ích trong an ninh khu vực; chỉ có 10% số người được hỏi phản đối nó, trong khi 39% cho biết họ sẽ ủng hộ nó trong tương lai nếu Quad cụ thể hoá thành công.

46% số người được hỏi nghĩ rằng Quad bổ sung cho các khuôn khổ an ninh khu vực hiện có của ASEAN. Những người lo lắng Quad sẽ thách thức (18%) hoặc cho ra ngoài lề (17%) tính trung tâm của ASEAN chỉ chiếm thiểu số; 13% khác cho rằng Quad không ảnh hưởng đến vai trò trung tâm của ASEAN từ bất kỳ phương diện nào.

19% nghi ngại rằng rằng bản chất “chống Trung Quốc” của Quad là nguy hiểm, nhưng số nhiều hơn, 35% nghĩ rằng Quad “trở thành một bức tường chống Trung Quốc” là cần thiết. Tổng cộng, 54% số người được hỏi xem Quad là một “bức tường thành chống Trung Quốc”, 28% nghĩ rằng nó không nên được nhìn theo cách đó, và 15% nghĩ rằng, trong khi Quad không chống Trung Quốc, nó đã hiện diện theo cách gây ấn tượng là chống Trung Quốc.

Hai quan điểm trái ngược nhau, rằng Quad sẽ ảnh hưởng và không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, có tỷ lệ xấp xỉ như nhau. 32% số người được hỏi hoan nghênh Quad và tin rằng đất nước họ sẽ an toàn hơn nhờ Quad, trong khi 31% tin rằng Quad có thể khiến căng thẳng trong khu vực tăng lên nhưng sẽ không ảnh hưởng đến quốc gia họ.

Hầu hết các câu hỏi về Quad nhận được những câu trả lời đa dạng, và có một số vấn đề mà đa số có chung quan điểm. Một ngoại lệ quan trọng, với một phản ứng tích cực áp đảo 69%, là Quad được mong đợi sẽ đảm bảo thực thi trật tự dựa trên luật pháp (ví dụ, Phán quyết của Toà trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016). Vấn đề cụ thể này đã đạt được đồng thuận cao nhất trong tất cả những người được hỏi.

sr130-figure3

 

Lược dịch có chọn lọc từ những nguồn tài liệu sau:

Sophie Eisen Traut & Bart Gaens, ” The US-Japan-India-Australia Quadrilateral Security Dialogue: Indo-Pacific alignment or foam in the ocean?”, Briefing Paper 239, Finnish Institute of International Affairs 21/05/2018: https://www.fiia.fi/en/publication/the-us-japan-india-australia-quadrilateral-security-dialogue

Tanvi Madan, “The rise, fall and rebirth of the “Quad”, War on the Rocks 16/11/2017: https://warontherocks.com/2017/11/rise-fall-rebirth-quad/

Csenger Ádám, “The Quadrilateral Security Dialogue (Quad),” PAGEO 11/10/2018: http://www.geopolitika.hu/en/2018/10/11/the-quadrilateral-security-dialogue-quad/

“Navy chiefs of India, Japan, Australia and US share dias at Raisina Dialogue 2018 in Delhi,” Indian Express 18/01/2018: http://www.newindianexpress.com/nation/2018/jan/18/navy-chiefs-of-india-japan-australia-and-us-share-dias-at-raisina-dialogue-2018-in-delhi-1757759.html

Alyssa Ayres, “The Quad and the Free and Open Indo-Pacific,” Council on Foreign Relations 20/11/2018: http://www.cfr.org/blog/quad-and-free-and-open-indo-pacific

Bhagyashree Garekar, “Quad leaders stress Asean’s centrality in their Indo-Pacific visions,” The Strait Times 17/11/2018: https://www.straitstimes.com/singapore/quad-leaders-stress-aseans-centrality-in-their-indo-pacific-visions

“U.S.-Australia-India-Japan Consultations,” U.S. Department of State 15/11/2018: https://www.state.gov/r/pa/prs/ps/2018/11/287374.htm

“Australia-India-Japan-United States Consultations,” Australian Government – Department of Foreign Affairs and Trade 15/11/2018: https://dfat.gov.au/news/media/Pages/australia-india-japan-united-states-consultations-2018.aspx

“India-Australia-Japan-U.S. Consultations,” Ministry of External Affairs – Government of India 15/11/2018: https://www.mea.gov.in/press-releases.htm?dtl/30593/IndiaAustraliaJapanUS_Consultations

“Foreign Minister Wang Yi Meets the Press,” Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China 9/3/2018: https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1540928.shtml

Shubhajit Roy, “Quad talks Indo-Pacific; Vietnam envoy says against military tie-up,” The Indian Express 16/11/2018: https://indianexpress.com/article/india/quad-talks-indo-pacific-vietnam-relations-military-5448764/; Suhasini Haidar & Dinakar Peri, “Vietnam opposes military alliances in region: envoy” The Hindu 15/11/2018: https://www.thehindu.com/news/national/vietnam-opposes-military-alliances-in-region-envoy/article25509702.ece

Lê Thu Hường (2018) Khảo Sát Nhận Thức của Đông Nam Á về Đối Thoại An Ninh Tứ Giác, ASPI 23/10/2018. Bản dịch tóm tắt: https://daisukybiendong.wordpress.com/2018/10/23/khao-sat-nhan-thuc-cua-dong-nam-a-ve-doi-thoai-an-ninh-tu-giac/

Một số bình luận và phân tích:

Brahman Chellaney, “Why playing by the rules is the pathway to peace and security in the Indo-Pacific region,” South China Morning Post 19/11/2018: https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/2172021/why-playing-rules-pathway-peace-and-security-indo-pacific

Jesse Barker Gale, “The Quadrilateral Security Dialogue and the Maritime Silk Road Initiative,” CSIS Briefs 2/4/2018: https://www.csis.org/analysis/quadrilateral-security-dialogue-and-maritime-silk-road-initiative

Nguồn: Dự Án Đại Sự Ký Biển Đông

Bài Khác